You are currently viewing Làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy chi tiêu không cần thiết?

Làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy chi tiêu không cần thiết?

  • Post category:Chuyện Hiền kể
  • Post last modified:March 24, 2023
  • Reading time:12 mins read

Thì ra bao lâu nay cái việc chi tiêu mua đồ theo hứng, không giới hạn, không kiểm soát nó có tên luôn. Việc bạn khó kiểm soát được hành vi chi tiêu cho những thứ không cần thiết, thừa thãi còn được gọi là hiệu ứng Diderot.

        Để bắt đầu thì hiệu ứng được đặt tên theo ông Diderot (hiển nhiên :))

        Ông này khá nổi tiếng ở thời kỳ Khai Sáng bởi việc đóng góp xây dựng lên bộ sách bách khoa toàn thư vĩ đại và giá trị nhất mọi thời đại. Trước đó hiển nhiên ông rất nghèo, đơn giản bình dị cho đến khi tự nhiên được trả một số tiền vô cùng lớn cho thư viện của mình ông đã bắt đầu chi tiêu cho đời sống cá nhân và gia đình. Thứ đầu tiên ông đi mua là 1 chiếc áo choàng. Sau khi mua chiếc áo choàng xong bản thân ông mới nhận ra giầy dép và đồ quần áo mà ông vẫn mặc không đi cùng với cái áo choàng nổi. Thế là ông đi mua thêm đôi giày cho phù hợp với cái áo, mua thêm các phụ kiện trang phục khác cho phù hợp với chiếc áo choàng. Và thế là dần dần từ quần áo chuyển sang đồ dùng cá nhân bên ngoài khác tới nội thất trong nhà. Tới lúc đó ông mới nhận ra mình bị rơi vào một trạng thái vô cùng nguy hiểm đó chính là bị chi tiêu không kiểm soát và đồ thì càng một lúc càng nhiều lên. Hiệu ứng Diderot chính là từ đây. 

         Bản thân chúng ta chắc chắn cũng đã từng trải qua, thậm chí luôn đối mặt với việc có tiền trong túi là phải tiêu, phải chi bởi thấy cái này rẻ quá, đáng yêu quá. Thậm chí cung hiện nay còn nhiều tới mức bạn chỉ có một số lượng rất ít tiền, không có nhiều điều kiện nhưng chúng ta vẫn có thể mua rất nhiều đồ chúng ta mua được ở mức tiền 1 nghìn đồng cho tất cả những thứ được gọi là “phụ kiện”. Bởi vì là đồ đơn giản, không tốn quá nhiều tiền, hoặc trong mức mà mình có thể chi trả được, cho nên số đồ này cứ thế được đưa về nhà để rồi cuối cùng chúng lại bị bỏ xó một chỗ sau 1 thời gian.

          Đối với các chị em thì việc này càng nguy hiểm hơn bởi cái áo này không đi cùng tông với cái quần, cái váy này không hợp với cái túi kia, đôi giầy nọ, cái khuyên tai này không hợp với bộ trang phục đó. Thế là chúng ta lại phải đi tìm mua thêm hết đồ này tới đồ kia để phù hợp và cuối cùng thì tá hỏa ra việc trong tủ quần áo có quá nhiều đồ mà bạn vẫn rối tung lên trước khi ra ngoài với câu 

“chẳng biết mặc bộ nào cho phù hợp?” 

        Còn căn nhà của chúng ta lúc nào cũng lộn xộn và ngổn ngang đồ. Thực ra điều này cũng không phải không có điểm tốt. Một ngôi nhà lộn xộn còn có thể giúp bạn tăng khả năng sáng tạo, có cảm hứng liên tưởng và phát triển trí não nhé. Ví dụ tại sao đặt một đứa trẻ vào 1 ngôi nhà sạch sẽ gọn gàng hoặc đứa trẻ đó sẽ phá phách bới tung đồ để khám phá hoặc nó sẽ ngồi yên và ngoan ngoãn nghe theo sắp đặt của chúng ta, thiếu đi khả năng độc lập tự thiết kế thế giới trò chơi của riêng mình. Mình đã đọc về một họa sĩ vĩ đại của nhân loại, ông đã sáng tạo ra một trọng những bức vẽ để đời trong sự nghiệp của mình khi nhìn xuống sàn nhà lộn xộn đồ đạc, bản vẽ của mình trước đó. (Hiện tại mình chưa nhớ nổi tên ông là gì hic, mình sẽ bổ sung tên vào đây khi nhớ ra). Ở đây mình gọi là trong hỗn loạn, cái mới sẽ được sinh ra là vì thế.

Ngổn ngang tìm quần áo để chọn

        Tuy thế, với việc bạn có quá nhiều người trong nhà hoặc quá nhiều việc cần làm lúc nào cũng rối tung cả lên chưa kể đến tài chính ngả nghiêng cứ mãi nghèo và thấy tiền cứ đội nón ra đi mà sốt ruột. Tới lúc đó bạn mới thấy mình cần phải hãm lại chi tiêu và cần phải giải thoát bản thân ra khỏi cái hiệu ứng nguy hiểm kia cũng giống việc cần giải thoát mình khỏi những món đồ chất đống trong nhà.

Vậy thì để cứu vãn tình trạng khủng hoảng này thì chúng ta cần làm gì?

     Đối với tủ quần áo thì điều đầu tiên có lẽ chính là cân nhắc xem bộ này mình mua sẽ dùng được bao nhiêu lần? Nếu chỉ cho 1,2 lần sự kiện nào đó rồi nó nằm đó mãi mãi trong tủ thì thực sự có cần thiết như vậy không hay là đi thuê mặc là được rồi?

     Cần tính toán trước khi mua thêm bất kỳ đồ gì cho mình là mình sẽ sử dụng với tần suất như thế nào, cho việc gì. Nếu giá trị sử dụng quá thấp thì nhất định ghạch nó ra khỏi sổ. Tất cả những thứ này trong Cha giàu, Cha nghèo định nghĩa thì sẽ là tiêu sản chứ không phải tài sản nhé các bạn :)) 

     Việc đặt ra giới hạn chi tiêu cho bản thân cũng tốt ví dụ chỉ mua sắm mấy lần trong năm, chỉ mua những đồ cụ thể cần thiết, những món đồ vẫn còn dùng tốt thì không cần thiết phải thay thế hoặc nâng cấp. Tuy nhiên thì việc này có lẽ sẽ phù hợp với những cá nhân có thể sống nguyên tắc và có kỷ luật cao, hoặc có tác dụng trong thời gian ngắn. Bởi bản tính của con người là thích phá vỡ giới hạn, cấm đâu thì sẽ làm đó, luôn có xu hướng thoát ra khỏi quy luật bằng cách đặt ra rất nhiều biện minh nào là mua sắm thì tốt cho kinh tế và thúc đẩy phát triển, nào là cũng rẻ mà, đằng nào chả phải mua (cái câu này mới là chết người). 

Thử ngồi làm một cái danh sách

       Vậy thì cần phải có một phương án tốt hơn chẳng hạn việc mỗi ngày hoặc mỗi tuần bớt đi 1 thứ nào đó khi bạn đang có xu hướng mua thêm vào. Ví dụ bán lại, cho đi, tặng lại để giảm bớt số lượng đồ gắn trên người. Tuy nhiên như thế cũng chưa đủ mà cần thiết nhất có lẽ chính là tân trang lại cách suy nghĩ của mình về cách sống đơn giản, hài lòng với hiện tại, biết đủ với những gì đang có. Đồng thời nên tìm hiểu đọc thêm kiến thức về cách vận động của tiền, về quản lý tài chính cá nhân, cái chúng ta tưởng là tài sản thực chất chỉ là tiêu sản bởi nó chỉ khiến chúng ta mất tiền đi chứ không làm gia tăng tài sản hiện có. 

     Hôm nay thử đặt cho mình thử thách không mua gì trong vòng bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần, bao nhiêu tháng cũng là một cách rất thú vị và hiệu quả để mọi người xung quanh cùng sôi nổi tham gia với mình.

       Thử xem bạn sẽ thấy hiệu quả từ việc chất lượng cuộc sống thay đổi rõ rệt, kinh tế tốt hơn, bảo vệ được dòng tiền, sống nhẹ nhàng hơn, ít nợ hơn, thanh thản, thoải mái và xanh hơn rất nhiều. 

     Còn mình bây giờ thì phải đi quanh nhà dọn bớt đồ đem cho đã :((

Đọc thêm Làm thế nào để giảm bớt cái tôi của mình

Mạng xã hội: nối gần khoảng cách hay cắt đứt kết nối

Trăn trở ở ngưỡng tuổi 18. Học đại học để làm gì?