You are currently viewing Đừng áp lực với các chứng chỉ tiếng anh

Đừng áp lực với các chứng chỉ tiếng anh

           Trong thế giới ngày nay, đúng là mọi thứ được gắn mác bằng cấp, chứng chỉ rất nhiều khiến chính bản thân mỗi chúng ta cũng áp lực với việc không có bằng này thì không vào được công ty nọ, không có chứng chỉ này thì không vào nổi đại học kia, không đạt được cái này cái kia. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc bạn nên áp lực chính điều đó với con cháu của mình. 

            Học bất cứ một thứ gì mới đều vô cùng tuyệt vời, cảm giác cực kỳ thú vị nhưng khi các con đi học có những lúc điểm số, ganh đua áp lực lại biến việc học một điều mới trở thành việc học để đạt được điểm cao trong môn A B C. Từ đó mà việc học đối với tụi nhỏ chỉ còn là làm thế nào để được điểm cao, làm thế nào để được xếp top? Làm thế nào để không bị sai trong các kỳ kiểm tra. Đó gọi là kỹ năng thi chứ chưa chắc đã là kiến thức.

          Quay trở lại việc học tiếng anh. Tiếng Anh như bao thứ tiếng khác là một thứ ngôn ngữ được sử dụng để chúng ta có thể tiếp cận đến văn minh các nước khác. Nói cách khác, tiếng anh là một công cụ. Bạn sử dụng công cụ này để đạt được những thứ khác thì việc học tập và sử dụng nhuần nhuyễn công cụ này là vô cùng quan trọng.

         Ở ngoài kia thì có hàng chục hàng trăm trung tâm tiếng Anh lớn nhỏ hay thậm chí trong nhà trường giúp các bé luyện thi để đạt được hết chứng chỉ này đến chứng chỉ kia mà quy đổi tương đương ra hệ A B C trong tiêu chuẩn Châu Âu. Mình không thể kể hết tất cả các cuộc thi tiếng anh hiện có đối với trẻ từ tiểu học đến đại học dưới rất nhiều tên gọi khác nhau. Tất  nhiên, việc tham gia một cuộc thi có rất nhiều cái lợi mà đại biểu như là

    • Trẻ có cơ hội trải nghiệm, cọ xát và học hỏi (cho nên chỉ cần 1,2 kỳ thi chứ đừng lạm dụng)
    • Đánh giá được trẻ đang ở trình độ nào (nhưng chính xác hay không thì chưa chắc  nhé)
    • Cung cấp cho trẻ và gia đình một cái chứng chỉ có thể phục vụ cho việc vào trường này, học bổng kia…etc (đây là chỉ với các chứng chỉ được công nhận quốc tế chứ không phải tất cả nhé)
    • Có thể tăng động lực thi thố đạt giải cao – tức tăng động lực học luyện thi (chứ chưa chắc đã là động lực học và chinh phục ngoại ngữ nhé)

           Cũng vẫn còn khá nhiều lợi ích cơ bản khác cho việc luyện tập ôn thi lấy chứng chỉ. Mình thấy rất nhiều trẻ hiện nay bố mẹ cứ đăng ký cho tham gia thi hết kỳ thi này tới kỳ thi kia. Nếu may mắn trẻ thích và cảm thấy hứng thú thì ít nhất những lợi ích kia đều đáng đồng tiền bát gạo. Nếu chẳng may qua vài lần, trẻ cảm thấy chán và nản thì việc này chả khác gì con dao hai lưỡi. Vì sao?

Thứ nhất, Hoang mang với kết quả lên xuống.

        Khi tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ này nọ cả cha mẹ lẫn trẻ đều phải tập trung tìm hiểu xem yêu cầu tiêu chuẩn bài thi của chứng chỉ tương ứng là gì. Hoặc đơn giản là trẻ theo học tại trung tâm sẽ có hỗ trợ đăng ký thi và luyện thi các chứng chỉ trên. Như vậy, trong suốt quá trình học sau đó sẽ tập trung vào việc chinh phục cái chứng chỉ đó, chứ không phải chinh phục tiếng Anh nữa! Mình lấy đơn cử như một chứng chỉ khá đình đám là IELTS. Rất nhiều bạn trẻ bố mẹ nói con đã học và được khen rất tốt ở  cả GVVN và GVNN. Test đầu vào trước khi vào trung tâm luyện IELTS là 4.5 nhưng sau khi học một thời gian thì test lại thậm chí còn không được 4.5. Từ đây phụ huynh hoang mang, trẻ thì cảm thấy lo lắng, áp lực lại đè nặng hơn nữa. Nhưng hãy nhìn thật kỹ nhé. Việc bạn đạt điểm cao trong IELTS không có nghĩa là bạn thực sự giỏi tiếng Anh cần thiết trong cuộc sống hay công việc. Nó chỉ chứng minh bạn có kỹ năng làm bài IELTS cực tốt! Tất nhiên một phần ở đây vẫn là có khả năng viết luận và chém gió được tiếng anh khá tốt. Mình thực ra rất thích chứng chỉ IELTS này bởi nó phủ sóng toàn bộ các kiến thức thập cẩm như văn hóa, tự nhiên xã hội, chính trị, nghệ thuật, khoa học… trong phần viết Task 2 và phần reading cũng như speaking (Bài chia sẻ tài liệu luyện thi IELTS ở đây). Nhưng luyện thi IELTS bạn cần phải học được kỹ năng làm bài, kỹ năng phân tích đề, kỹ năng nhặt ý chính, kỹ năng cân đối phân bổ thời gian. Đồng thời, tương tự như mỗi kỳ thi thì các bài test được thiết kế test tại thời điểm hiện tại, cho các dạng đề hiện tại. Nếu con bạn mới chỉ học được 1-2 tháng thì việc chưa lên được band hoặc điểm số có tụt thì nó cũng hoàn toàn bình thường bởi các kỹ năng kể trên còn chưa được củng cố trong 2 tháng nhanh đến thế đâu. 

  Thứ 2: Những kỳ thi vô nghĩa.

           Mình thấy trẻ hiện nay lượng bài tập sách vở trên trường lớp đã thực sự nhiều, các kỳ thi, bài kiểm tra cũng không hề ít. Việc bổ sung thêm các kỳ thi chứng chỉ khác trong môn tiếng Anh khi cho các bạn ấy đi học thêm là cực kỳ mệt mỏi với nhiều bạn mà nó không mang lại giá trị nào ngoài cái chứng chỉ. Có thể bé đã vượt qua kỳ thi này với chứng chỉ tương ứng, nhưng khi đặt bạn ấy vào một môi trường giao tiếp thông thường thì chính bạn ấy bị lúng túng, không biết phải làm như thế nào. Khả năng giải quyết tình huống hoặc phản xạ cũng rất kém. Bởi thực tế như mình đã nói ở trên, bạn chỉ chinh phục chứng chỉ đó chứ không chinh phục ngoại ngữ này. Đồng ý rằng các chứng chỉ thiết kế nhằm đánh giá năng lực của các bé hiện tại, nhưng mong rằng các con và cha mẹ đừng quá áp lực nhìn vào những con số này mà cho rằng con mình yếu kém tiếng Anh hoặc không có sự tiến bộ trong quá trình học tập.

  Thứ 3: Sức khỏe tâm lý và thể chất

         Lý thuyết và thực tế chính là ở chỗ này. Mục tiêu của bạn là gì? Con có thể làm việc trong một môi trường quốc tế sau này, con có thể vào được một trường đại học danh tiếng quốc tế? Vậy thì hãy xác nhận rõ ràng để đạt được mục tiêu đó chứng chỉ nào các bạn ấy mới thực sự cần thi và tất cả những thứ khác bỏ qua hết. Bởi việc luyện thi một chứng chỉ, thực sự nó hao tổn rất nhiều năng lượng và sức lực cũng như tâm lý của trẻ. Chưa kể bạn còn cần phải hiểu nhiều chứng chỉ có hạn sử dụng nên trừ khi bạn đã có mục tiêu rõ ràng trong 1-2 năm tới cần sử dụng chứng chỉ này để làm gì thì hãy thi còn nếu chỉ đăng ký luyện thi và thi để xem năng lực thế nào thì mình thấy tốt nhất nên thôi. Nó sẽ bào mòn trẻ cực kỳ!

           Một điều nữa đó là rất nhiều bạn còn nhỏ tuổi (dưới 15 tuổi) bố mẹ đã cho luyện các kỳ thi chứng chỉ lớn. Không sao cả, tuy nhiên thực ra có rất nhiều kiến thức câu hỏi trong đề thi yêu cầu trẻ phải có kiến thức và khả năng đánh giá như một người trưởng thành. Có nghĩa là bạn nên trang bị cho trẻ những hiểu biết và khả năng tự tìm hiểu cũng như khả năng đưa ra các đánh giá, phân tích trên lập trường quan điểm độc lập có đối chiếu từ các nguồn tham khảo giúp trẻ làm giàu khả năng tư duy, phản biện còn những thứ khác thì chỉ có kinh nghiệm sống mới có thể mang lại thì nó lại không phù hợp với trẻ nhỏ tuổi nữa.

        Các chứng chỉ quan trọng nhưng chỉ khi bạn có mục tiêu rõ ràng sử dụng nó, còn lại đầu tiên hãy tập trung vào việc học đi đôi với hành, hãy để trẻ sống và sử dụng tiếng Anh như một công cụ để tìm hiểu và khai phá thế giới, làm giàu chính bản thân chứ không phải là một mục tiêu để cày luyện năm tháng.