Hôm nay, gió rất mát, nắng rất rực rỡ và lá rất xanh, mình được nghe một chia sẻ rất thú vị và đẹp. Mình quyết tâm dừng lại bên đường ngồi dưới tán cây xanh và lắng nghe chia sẻ về việc sống tích cực và hướng cuộc sống nhẹ nhàng, đơn giản, thoải mái hơn.
Cứ vui đi.
Người chia sẻ kể lại rất nhiều tình tiết gây “bất lợi” ở một vài thời điểm và hành trình trong cuộc sống nhưng anh ấy vẫn luôn giữ một thái độ rất tích cực, chấp nhận mọi khó khăn diễn ra và đón nhận mọi thứ một cách vui vẻ. Đây là một thái độ sống cực kỳ tuyệt vời.
Khi mọi biến cố diễn ra khiến mình bị cản trở hoặc cảm thấy khó khăn thì thay vì lựa chọn cau có, khó chịu với sự việc thì hãy chọn vui vẻ đón nhận, “tận hưởng” nó và tìm các giải quyết khác, điều hướng sự việc theo hướng khác để sống trọn vẹn với mỗi phút giây và hành trình mình trải qua. “Tận hưởng” nó, thay vì oán trách và cằn nhằn nó. Đó là điều không hề đơn giản một chút nào! Nhưng thiết nghĩ khi luyện tập thái độ với cuộc sống, góc nhìn của bạn với mọi chuyện đang diễn ra hàng ngày, thì bạn sẽ dần dần làm chủ được việc “đón nhận” và “tận hưởng” khó khăn đó tùy vào mức độ của từng sự việc.
Có thể cứ vui đi không?
Tuy nhiên, đối với mình mà nói, cách “cứ vui đi mà sống” lại không ổn một chút nào. Trong bài viết trước của mình về Định luật Murphy, mình đã từng nói đến và giải thích khá chi tiết về những biến số có thể xảy ra dù bạn làm bất cứ việc gì, ở bất cứ thời điểm nào, sẽ luôn có một cản trở nhất định hoặc một điều bất lợi diễn ra khiến bạn sẽ có lúc phải thốt lên “Sao tôi khổ thế, sao ông trời cứ thích dìm mình thế?, sao đời nó lại oái oăm thế?” Đối với những sự kiện như vậy, mình cho vào danh sách những điều “không thể kiểm soát được” do nó là những biến số liên quan đến tự nhiên, tạo hóa, hoặc cách vận hành của vạn vật xung quanh. Nếu là những biến cố này thì việc “take it easy”, tận hưởng nó để cứ vui đi là điều vô cùng cần thiết và hiệu quả. Cách nhìn nhận theo góc độ này sẽ giúp bạn vui vẻ thoải mái và cảm thấy đời nhẹ nhàng như mây trôi, chẳng có gì phải nặng nề cả.
Nhưng, thực tế rất nhiều biến số mà bạn có thể hoàn toàn kiểm soát được, do ý chí của bản thân hoặc hành vi của bản thân mà mình có thể thay đổi. Như mình vẫn rất thích câu nói “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Nhiều lúc đau lắm đấy khi phải chấp nhận câu nói đấy nhưng mà nó thấm và nó đúng. Mọi nguyên do và mọi chuyện xảy ra đều có thể không ít thì nhiều là tác động từ chính bạn, chủ thể của mọi vấn đề. Bạn vội đi làm nên quên cả mang điện thoại, đó là bởi vì bạn dậy muộn, bị trễ giờ hoặc bạn bị tắc đường (thì cũng vẫn là do bạn muộn nên tắc nhé), hoặc bạn vướng cãi nhau với hàng xóm vì xe đặt vướng chỗ của mình…
Cẩu thả hay vô trách nhiệm?
Trong bài chia sẻ còn có đoạn mình thấy nực cười là ở chỗ có người có thể quên được cả việc mang theo nhẫn cưới, hoa để đi xin cưới????? Mình kiểu WTH, You’re kidding me!!!!! Có thể đằng sau đó là một câu chuyện rất hợp tình hợp lý cho việc này, và kiểu “người ngoài cuộc không thể hiểu hết vấn đề, người trong cuộc mới biết nên đừng nói lung tung”. Cho nên mình không đánh giá, tuy vậy ở góc độ của mình, nếu bạn có thể “quên” tức là bạn không chủ ý “nhớ” hoặc bạn quá bận rộn để nhớ. Mà bận rộn tới mức bạn có thể quên được cái việc quan trọng như vậy thì có nghĩa là việc đó thật sự không quan trọng lắm. Nếu là mình thì mình sẽ cho ông này ra đảo luôn, chia tay xong rồi cứ vui đi thì okela ngay được. Đây là một biểu hiện của sự vô trách nhiệm, chứ không còn là dễ dãi nữa. Bạn có thể vừa đi đường vừa check lại xem mình trông như thế nào, mình đã mang đủ đồ chưa….trong đầu bạn khi đang di chuyển hoàn toàn có thời gian để kiểm tra tất cả mọi thứ đang diễn ra bởi các sự kiện quan trọng sắp tới. Nên nói câu chuyện này mình thấy nực cười đúng kiểu “Đi cày quên trâu” tới lớp chắc bị cô chửi cho sấp mặt chứ nói gì lấy vợ.
Thứ hai,
đến việc bạn đi du lịch mà cái visa xin xong bạn không nhìn nó lấy 1 đến 2 lần để xem ngày tháng visa và hiệu lực của nó như thế nào thì mình cũng đến quỳ. Rồi, xem xong 1-2 lần rồi có khi ở trong trạng thái vui vẻ, phấn khích thì sẽ bỏ qua những tình tiết quan trọng. Thực tế mắt bạn sẽ chỉ nhìn những thứ bạn muốn nhìn và sẽ bỏ qua tất cả mọi thông tin rườm rà khác do đó não bộ đã điều khiển để mắt bạn chụp và thu nhận cái nó muốn (thế nên người ta mới bảo chỉ tin được 50% những gì bạn nhìn thấy một phần cũng là ở chỗ này, mình không đề cập tới việc dàn xếp gì ở đây nhé – vì nó là yếu tố ngoại cảnh). Vậy để tránh vấp phải lỗi sai ngớ ngẩn là bạn đi du lịch Châu Âu bạn rõ ràng cần 1 visa Multiple entry tức là ra vào khối Châu Âu nhiều lần chứ không phải 1 lần only thì bạn phải nhìn nó đầu tiên chứ không phải coi cái ngày hiệu lực xong rồi book vé rồi đi để sau đó gặp cái tình cảnh trớ trêu là bạn không được phép lên tàu để đi theo hành trình bạn đã setup trước. Nếu bạn có cả 1 gia đình đi cùng, vợ bạn chắc chửi cho vỡ đầu, con bạn chắc khóc cho nhức óc, ở đấy mà “cứ vui đi” cho được.
Tất nhiên ở rất nhiều góc độ thì sẽ có nhận định “ui giời, nói thì dễ lắm, ở trong hoàn cảnh đó xem kiểu gì chả mắc lỗi” thế nhưng tựu chung lại vẫn là cái lỗi của mình, do chính mình và có thể khắc phục được chứ không phải mấy cái yếu tố không thể kiểm soát như thảm họa thiên tai, động đất, sóng thần hay “nắng mưa là việc của giời”. Bởi vì hành vi của bạn thực tế sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người khác, tới tâm lý và thời gian của người khác không liên quan gì tới bạn như anh soát vé, anh kiểm soát viên, anh quản lý…. Vì cứ phải thay bạn đứng đó mà rà đi rà lại và giải thích vấn đề.
Vậy không vui chả lẽ phải cau có?
Thực tế là trong rất nhiều trường hợp nếu bạn làm việc gì có liên đới hoặc tham gia của rất nhiều người khác thì bạn trở nên cẩn trọng và chỉn chu, rà soát rất cẩn thận bởi bạn biết nếu có lỗi xảy ra thì hậu quả sẽ khó lường. Tuy nhiên nếu là chỉ một mình bạn thì luôn “ôi đơn giản, kiểu gì chả được” cho nên chính bạn đã để một cái mindset là dễ dãi với bản thân tới mức thiếu trách nhiệm với bản thân mình.
Rồi, sau khi mà tiên trách kỷ xong thì lúc đó bạn mới vui lên để chấp nhận thực tế và tìm phương án cải thiện tình huống nhưng đừng quên ghi nhớ sâu sắc cái bài học “Dễ dãi” của bản thân dẫn tới vô trách nhiệm này để mình có thể cải thiện tốt hơn.
Một điều nữa mình muốn lưu ý thêm chính là ở chỗ “không nên dễ dãi quá với cuộc đời”. Tức là ở đây, nếu mọi chuyện bạn đón nhận đơn giản nhẹ nhàng, không để lại ấn tượng sâu sắc thì bạn học bài học thế nào? Tích cực là chuyện tốt nhưng nhất định không được “dễ dãi”. Bởi khi bạn dễ dãi sẽ sinh ra rất nhiều vấn đề, tạo điều kiện giống như “vẽ đường cho hươu chạy”. Ví dụ đơn giản, Nếu cứ tích cực cái kiểu anh kia quên cả nhẫn cưới thì anh ta cứ tiếp tục cái thái độ sống cẩu thả như thế đến lần thứ n mà không rút được kinh nghiệm xương máu. Mạnh dạn đề xuất là chị được hỏi cưới kia hủy hôn luôn cho nhớ đời, dù sao, cũng chỉ có 1 đời con gái, tìm ai coi bạn như công chúa để bạn đón nhận người ấy như hoàng tử của cuộc đời bạn chứ nhỉ.
Tản mạn vài dòng vớ vẩn, cảm ơn vì được nghe những chia sẻ rất hay và thú vị ngày hôm nay cùng gia đình B247. Yêu thương!