You are currently viewing Bạn có đang đi sai hướng trong việc học một ngoại ngữ mới?

Bạn có đang đi sai hướng trong việc học một ngoại ngữ mới?

Mong chờ của phụ huynh – áp lực của trẻ

      Lại là câu chuyện gần đây mình vẫn phải nghe và chứng kiến từ các phụ huynh có con học TIỂU HỌC! Trên rất nhiều diễn đàn có phụ huynh hỏi nào là con mình học lớp 3 mới cho đi test IELTS được 3.5 thì mình nên bắt đầu từ đâu??? Hay nhiều mẹ có nhắn tin với mình con mình học lớp 4 có cần mua các bộ sách bổ sung để ôn luyện và chuẩn bị thi TOEFL hay không vì nếu có thì sau sẽ được cộng điểm thi vào cấp 2….. 

       Trời ơi, khi mình đọc những dòng này mình cảm thấy vô cùng nhức nhối và phiền lòng.

Quy chuẩn của nhà trường – áp lực của phụ huynh

     Hầu hết các bố mẹ, không phải ai cũng hiểu rõ được lộ trình các môn học hay đầu tư được nhiều thời gian vào công cuộc giáo dục kiến thức của con cái. Nhà trường trở thành nơi mà chúng ta ký gửi con tới học tập và được “trông nom” trong suốt 12 năm.  Nhiệm vụ giáo dục này chúng ta nghiễm nhiên giao phó toàn bộ cho thầy cô và nhà trường, việc của chúng ta là tập trung vào công ăn việc làm, kiếm tiền để con đủ đi học và ăn chơi khỏe mạnh.

             Chính điều này tước đi toàn bộ nỗ lực của mỗi bố mẹ trong việc tìm tòi sâu sắc là một đứa trẻ học một môn A cụ thể này cần có những bước đi như thế nào, nó thú vị ra sao, có gì hay ho và tính ứng dụng của nó cho con là gì?…. Cái chúng ta quan tâm chỉ là làm thế nào để đạt được điểm cao của môn A này, làm thế nào để con lên lớp và làm thế nào để con vào được trường chuyên lớp chọn. Thế là thay vì tìm tòi về việc học môn A có lợi gì trong thực tế và có gì khiến con yêu thích, chúng ta lại lao bổ đi tìm tòi về các tiêu chuẩn quy định của nhà trường để lên lớp, điểm cao, để trường chuyên lớp chọn.

Cụ thể là với môn tiếng Anh.

      Để thi vào được lớp chọn con cần có chứng chỉ này kia làm bàn đạp rồi được cộng điểm. Để thi vào trường chuyên, lên cấp thì con nếu có IELTS, TOEFL thì sẽ được cộng lên điểm bằng này với chứng chỉ có điểm bằng này, hay thậm chí chuyển thẳng vào trường miễn thi!! Ôi đây chính là điều tệ hại nhất! Chỉ vì có một cái chứng chỉ TIẾNG ANH bỏ qua toàn bộ các hiểu biết của các môn quan trọng khác như toán lý hóa, xã hội để phi thẳng vào trường.

         Không bàn đến việc phát triển và giáo dục cân bằng, nhưng liệu con có thể biết tự sơ cứu bản thân hay người khác khi gặp vấn đề hay chỉ biết bắn vài câu tiếng anh sáo rỗng? Liệu con có thể tự đi chợ, tính toán trao đổi hàng hóa khi đi mua hàng hay chỉ biết còng lưng ngồi viết những bài luận mà chính bản thân con còn không hiểu? 

Ngôn ngữ chỉ là một công cụ!

           Thế giới ngoài kia sử dụng ngôn ngữ chỉ như một phương tiện giao tiếp, tìm kiếm, học hỏi những chân trời mới. Đối với nhiều trường hợp khác là điều kiện cơ bản để lấy học bổng đi du học hay để định cư. Vậy thì nhu cầu ấy chỉ dành cho các trường hợp con bạn đã đủ bản lĩnh cả về trí tuệ và tinh thần (mà tinh thần chính là quan trọng nhất) để đi du học. Để chuẩn bị cho việc đi du học thì mình sẽ có bài chi tiết sau. Rất nhiều bố mẹ cũng định hướng con học giỏi tiếng anh hoặc một ngôn ngữ nào đó để có điều kiện cần đầu tiên cho con có thể đi ra nước ngoài và khám phá thế giới ngoài kia.

         Nhưng hỡi ôi, bố mẹ lại theo kiểu “ôi đằng nào cũng cần có, thi càng sớm càng tốt” hay “kiểu gì cũng phải hồ sơ sáng sủa nên điểm càng cao càng tốt” chứ không có một mục tiêu rõ ràng xác định.

       Ví dụ chứng chỉ IELTS cũng có thời hạn nếu thi sớm trước rồi để đó vài năm nữa bé mới đi thì thôi lại vất cái chứng chỉ đi rồi (mà đối với các bạn ấy là vất đi bao thời gian và công sức ôn luyện đề). Rồi việc band càng cao càng tốt lại càng khiến các bạn ấy áp lực và không hiểu mình cần nó để làm gì. Tùy từng trường đại học, từng nước, từng môn học mà có các yêu cầu cụ thể khác nhau có trường chỉ cần band 6 có trường 7 có trường 7.5 chứ không cần bạn phải gò con phải được 8 hay là 8.5 “NHƯ CON NHÀ NGƯỜI TA” điều này vô cùng tai hại và thừa thãi. Vậy nên bạn cần nghiên cứu thật kỹ xem đi đâu, học gì rồi mới lập ra mục tiêu rõ ràng: con phù hợp và thích vào trường B của nước C này, khoa D này cần yêu cầu đầu vào là…. Lúc đó đường con đi cũng rõ ràng hơn chứ không mông lung theo kiểu “thi xong IELTS rồi làm gì? Cần đạt được mấy chấm?”

Học thế nào?

         Bây giờ quay lại việc sử dụng một ngôn ngữ. Như mình đã nói ngôn ngữ chỉ là một công cụ. Con cần có bởi thế giới này ngày càng được toàn cầu hóa, hội nhập và mở rộng, không có một ngôn ngữ mới con sẽ khó phát triển bản thân thông qua các kiến thức và kết nối bạn bè khắp 5 châu. Vậy thì con cần học sử dụng nó chứ không phải học để “chứng chỉ nó”. Con của bạn sẽ sẵn sàng thi IELTS hay TOEFL ở bất cứ thời điểm nào mà chẳng cần 6 tháng – 1 năm hay 2 năm nhọc công trong lò luyện đề chán ngắt nếu bạn cho con học sử dụng tiếng anh. Con học về văn hóa, kinh tế, chính trị, môi trường, thiên nhiên, lịch sử thông qua tiếng anh. Con học làm văn làm thơ, thuyết trình và thảo luận các chủ đề thông qua tiếng anh. Từ từ theo độ tuổi và theo góc nhìn, hiểu biết và khả năng đánh giá vấn đề (đây là năng lực của góc nhìn) mà các con sẽ có khả năng đánh giá, thảo luận hay thuyết trình về một vấn đề chi tiết và khác nhau.

         Ví dụ

    Một bé lớp 2 với chỉ kiến thức học trên lớp thì bé liệu đã hiểu gì về viện trợ, vay giữa các nước giàu nghèo? Nhưng nếu phát triển với bé chủ đề môi trường, tái chế, báo vệ thiên nhiên, động vật hay địa lý văn hóa các vùng miền ở mức cơ bản bé hoàn toàn có thể hiểu và đánh giá nhận biết được sâu sắc. Ở đây mình muốn nói chính là bạn cần chuẩn bị cho con kiến thức và tinh thần, sự năng động trong cuộc sống hằng ngày để bé hoàn toàn có thể hiểu và phát triển mỗi nội dung mà bé gặp phải hay tìm thấy. Và IELTS hay TOEFL chính là một phần nhỏ xíu trong quá trình bé sử dụng tiếng anh của mình.