You are currently viewing Bạn có “khổ” không?

Bạn có “khổ” không?

  • Post category:Chuyện Hiền kể
  • Post last modified:August 25, 2023
  • Reading time:9 mins read

          Hôm nay nghe chia sẻ và thảo luận cùng B24/7 về cái “khổ ở đời” mà chủ yếu là liên quan tới cái việc “muốn người khác sống theo cách của mình” hay “muốn người khác hành động và suy nghĩ theo hướng mình muốn”. Căn nguyên ở mọi cái khổ này chính là chỗ “Muốn” mà không cái muốn nào nhức nhối hơn cái muốn mọi thứ vận hành theo cách mình mong mỏi và hi vọng, mà đặc biệt là người ngay bên cạnh mình, trong gia đình mình hay thậm chí là anh em bạn bè đồng nghiệp. 

       Ví dụ đơn giản từ mối quan hệ cha mẹ và con cái là nhiều nỗi khổ nhất này. Bạn muốn con mình trở thành bác sĩ nên hướng cho tụi nhỏ đi học tập trung thời niên thiếu thì mấy môn tự nhiên sinh hóa, lớn lên hướng vào đại học Y Dược nhưng nó nhất định không làm theo, hoặc làm theo thì càu nhàu phiền não có đứa còn bỏ học giữa chừng năm 2 năm 3 (mình đã từng gặp trường hợp này nhé) trong khi là con ngoan trò giỏi học sinh xuất sắc ở trường chỉ vì chúng hắn chán chường. Có khi đơn giản không phải là chán mà cơ bản là không muốn làm theo những gì “được bảo” làm theo. Và bạn – bậc làm cha mẹ suốt bao năm vò đầu bứt tóc bởi vì một loạt những lý do cơ bản như:

    • Mình mới biết cái gì là tốt nhất cho con mình
    • Mình/anh/em họ hàng có mối quan hệ trong ngành tốt, con sẽ có công ăn việc làm ổn định sống sung sướng thoải mái không phải lo nghèo đói. 
    • Mình đã lo cho con mình đến thế mà nó vẫn không hiểu…

       Thực ra không phải là các con không hiểu mà đơn giản là cả 2 phía đều không hiểu nhau. Hầu như trong cuộc sống này, chẳng ai muốn làm theo hoặc sống theo một bài văn mẫu hay một khung tranh đã được định sẵn. (well, thì cũng có nhiều người thích an bài thế). Nhiều bạn trẻ đã vùng vẫy để thoát ra khỏi cái khung cố định đó và cố định hình bản thân mình rồi dẫn đến bế tắc và tuyệt vọng, thậm chí có bạn đã phải vào điều trị tinh thần… Đây là nỗi khổ của người “bị” người khác “muốn” họ sống và làm theo những gì người khác làm.

     Hoặc đơn giản hơn, hôm nay bạn đến cơ quan làm việc, nhìn cái con bé mới tới làm nó ngứa mắt từ cách làm đến cách nói năng. Thế là bạn lại nổi cơn “muốn” chỉ dạy cho bé đó làm thế nào cho phù hợp, nói sao cho nó đỡ ngứa tai bạn hoặc chỉ đơn giản là làm việc A cho hiệu quả, đỡ tốn thời gian công sức của người khác. Mà tuyệt nhiên thì nó chả quan tâm chả để ý và nó cứ việc làm theo cách của nó – bạn là người chịu đựng.

Có rất nhiều lời khuyên về việc giảm cái nỗi khổ này bằng cách như “thôi bỏ qua quan tâm làm gì”, hay là “chỉ qua cuộc đời nhau có thời gian ngắn thôi sân si làm chi” hay là “mỗi người một quan điểm, thôi thì chấp nhận”. Tóm lại là bỏ qua và chấp nhận hoặc là thiền, tịnh tâm để nghe và thấu hiểu. OMG, cái này thì mình nghĩ là cần có chọn lọc chứ không thể lúc nào cũng làm như thế. Ví dụ, đặt trong một tập thể mà thấy có một đối tượng A làm việc không ổn, bạn “muốn” hướng dẫn hoặc chỉ dạy người ta làm thế này như thế kia thì sẽ tốt hơn mà bạn không làm chỉ vì không muốn “khổ” dằn vặt đày đọa thì là bạn “khốn khổ” luôn đấy. 

          Bởi nếu bạn cứ để mặc mọi chuyện theo cách cẩu thả và lộn xộn ấy, thì người hứng chịu hậu quả lại chính là bạn hoặc tập thể phòng ban cơ quan của bạn. Nói đen trắng luôn thì bạn là người phải đi hót cái đống…. Bừa bãi đấy. Nào bây giờ nghe cái “khổ” kia nó có vẻ lấp lánh và sung sướng hơn nhiều cái “khổ hậu quả” này chưa 🙂      

     Giờ lại nhìn sang mặt của xã hội và tập thể này. Nếu bạn không tham gia điều chỉnh hành vi và cách làm việc, học tập, công tác của đối tượng A nói trên, họ chỉ đơn giản là bị sa thải bởi bạn “bỏ qua nỗi khổ” thế thì họ tiếp tục đi tới một tập thể B khác và tiếp tục lặp lại những vấn đề ấy, và tiếp tục gây ra những hậu quả thậm chí khủng khiếp khác tới cả tập thể, thì lúc đấy không chỉ là nỗi khổ của cá nhân bạn mà còn là tội đồ của việc tiếp tay cho cái sai và bất ổn. 

         Không phải cứ thấy khổ là tránh và tìm cách đi thiền hay ngồi thảnh thơi. Tùy trường hợp mình tin chắc chắn việc bạn lao vào nhận lấy cái “khổ” ấy sẽ giúp bạn học hỏi và tiến bộ nhiều hơn. Thử nghĩ mà coi, muốn chửi nó lắm nhưng phải vừa hít vào thở ra để giải thích, điều chỉnh hành vi của nó và của chính mình, bạn đã đạt đến cảnh giới “tĩnh tâm” phết rồi đấy. 

      Có những cái “khổ” mà không hẳn là khổ, mà nó thậm chí là “sướng” nếu không cố tránh nó và cố gắng khắc phục nó, có những cái “khổ” không nên bỏ chạy bởi vì không phải bạn thì cũng là người khác mà thôi. Mà tản mạn thỉnh thoảng tí thôi chứ không viết nữa thì bạn đọc lại bảo hack não nhau thế 🙂

Tản mạn đọc thêm  Dễ dãi với cuộc đời hay vô trách nhiệm với bản thân?