Con đi học thêm mãi mà không vào?
Dạo gần đây mình được nghe rất nhiều phụ huynh than phiền về việc con học tiếng Anh ở trung tâm, ở trên lớp từ nhỏ mà không hề có sự tiến bộ, cảm thấy cực kỳ lo lắng và buồn phiền. Mình thậm chí đến tận nhà để test thử năng lực thì phải nói là vô cùng shock với việc đi học trong một thời gian dài như thế mà con không thể nói được, cũng như vẫn chưa hiểu được khi nghe tiếng anh. Thậm chí đến cả phần đọc hiểu cũng không hiểu được khi đưa cho một câu truyện ngắn đơn giản. Có nhiều bạn nhỏ mình làm việc cùng thì hầu hết bị “không thích” tiếng Anh và NGẠI học nó, bố mẹ bảo học thì học thôi chứ không tha thiết gì hết. Một số bạn, may mắn là dù không nói được gì, nghe cũng bập bõm nhưng vẫn thích và vẫn nhiệt thành với bộ môn này tuy nhiên khi bảo làm bài thì vẫn luôn ở dạng “ngao ngán”. Như thế tức là Ngoại ngữ đã trở thành NGẠI NGỮ cực kỳ lớn cho các bạn chỉ bởi phương pháp tiếp cận đã bị sai hoàn toàn.
Việc học tập một ngôn ngữ mới, đối với bất kỳ ai từ trẻ nhỏ đến người lớn là một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện nay, mà đặc biệt tại Việt Nam là Tiếng Anh. Tuy nhiên, đối với người lớn việc này có thể là một thử thách thì nhìn chung đối với trẻ nhỏ, càng nhỏ càng tiếp thu dễ dàng, giống như bao ngôn ngữ khác, chúng học một cách thụ động và đơn giản không khác gì học tập nói tiếng Việt. Mà thực ra đối với chúng không phải là HỌC mà chỉ đơn giản là HẤP THỤ.
Đáng tiếc hiện nay rất nhiều bố mẹ và gia đình, vì quá bận rộn hoặc cũng không biết tìm hiểu các dạng tài liệu, phương pháp học phù hợp cho con, phó mặc hoàn toàn cho việc học trên lớp, trung tâm. Rất nhiều đứa trẻ cảm thấy áp lực và thậm chí ghét luôn ngôn ngữ này. Ở trường, chúng ta được học đầy đủ từ ngữ pháp, đọc hiểu, nghe nói. Tuy nhiên học bao nhiêu năm vẫn cứ chỉ loanh quanh, luẩn quẩn ở ngữ pháp mà vẫn cứ sai, đọc mãi mà vẫn cứ không hiểu, nghe mãi mà vẫn không thủng, mà nhất là KHÔNG THỂ NÓI ĐƯỢC. Vì sao thế?
Ở đây có 2 giải pháp:
1, Đối với nhiều cha mẹ không có thời gian, có thể lựa chọn cho con học 1-1 hoặc học tại trung tâm nhưng đừng chỉ phó mặc mà vẫn cần có sự đồng hành theo con đầy đủ. Bởi tại trung tâm cũng chỉ là 2-3 buổi/tuần thời lượng cực kỳ ít trong một tuần. Nếu thực sự không thể đồng hành được thì bạn có thể thuê gia sư 1-1 hàng ngày từ việc đọc sách, đến việc nói chuyện tương tác với con bạn. Đối với những bé lớn đã bị sai cách học từ trước, khiến cho việc nói không nổi, nghe không hiểu, viết thì sai tùm lum, dù điểm trên lớp làm bài vẫn cao, nhưng đọc vẫn không hiểu toàn bộ bố cục thì nên có người sửa giúp bạn ấy yêu tiếng anh trở lại.
2, Học mà như không đang học sẽ giúp bé yêu nó một cách tự nhiên chứ không hề gượng ép, không hề khó chịu. Tuy nhiên việc này cần sự đồng hành của cha mẹ cực kỳ nhiều.
Vể cơ bản để học một ngôn ngữ mới, là tiếng gì đi chăng nữa thì đều cần bắt đầu theo quy trình cơ bản: NGHE – NÓI – ĐỌC – VIẾT. Nghe đủ thì sẽ nói, nói ổn thì sẽ đọc và đọc đủ thì sẽ viết.
Một đứa trẻ mới sinh ra, không phải tự nhiên mà chúng biết nói tiếng Việt. Chúng mất 9 tháng và hơn 1 năm đầu đời lắng nghe và nghe từ môi trường xung quanh chúng: ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình nói bằng tiếng Việt. Và thế là đến một ngày kia khi các chức năng nói được hoàn thiện, lượng đầu vào đã đủ nhiều, chúng bật lên những từ đầu tiên, rồi đến câu đơn giản đầu tiên, rồi đến cả một đoạn dài, rồi đến cả một câu chuyện và chúng bắt đầu tập đọc rồi tập viết.
Tiếng Anh cũng như vậy.
Việc đầu tiên bạn cần bắt đầu khi muốn con làm chủ được nó, chính là NGHE đủ nhiều! Nghe liên tục, nghe ở khắp mọi nơi, nghe ở mọi lúc: lúc ăn cơm, lúc đi tắm, lúc đi chơi, lúc đi học, lúc chuẩn bị đi ngủ (lúc này là hữu hiệu nhất đối với nhà mình), thậm chí cả lúc đi ị! Như bạn nói tiếng Việt với chúng mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Tiếng Anh cũng cần được cung cấp như thế. Đối với trẻ nhỏ tuổi không tự quyết định được nghe gì và hoàn toàn thụ động trong việc hấp thụ thì bạn có thể thoải mái chọn kênh nghe và thay đổi theo phản ứng của chúng một cách dễ dàng. Đối với những trẻ lớn hơn thì việc này sẽ khó khăn hơn, trẻ có chính kiến rõ ràng thích hay không thích và nhất quyết không nghe nếu bạn ấy không thấy kênh đó có gì hay ho. Vậy là bạn cần phải lựa chọn được kênh nghe phù hợp để các bạn ấy hấp thụ. Riêng về các kênh nghe tiếng anh thì mình sẽ liệt kê chi tiết đầy đủ trong bài viết khác.
Lưu ý là ở đây, chỉ có hoạt động nghe nhé! Thời gian đầu, chỉ mở loa, mở điện thoại, mở máy tính, mở tivi, mở gì cũng được miễn là có thể giúp bé nghe được từ bất kỳ đâu. Không khuyến khích xem đối với bé nhỏ xíu. Sau một thời gian nghe đủ dài (khoảng từ 3 – 6 tháng liên tục) lúc này bạn có thể giới thiệu lại những thước phim nghe ấy qua video hình ảnh trên tivi để bé có thể hình dung được những thứ mình đã nghe thấy nó trông như thế nào và nó tương ứng với từ nào trong tiếng Việt mà bé đã biết. Việc này giúp bé tự hiểu nghĩa mà không cần phải dịch từ tiếng này qua tiếng khác.
Tuyệt đối,
không hỏi con “cái này tiếng anh là gì?, quả táo tiếng anh là gì????” NO NO NO! Việc này vô cùng có hại bởi bé sẽ bị động phải dịch giữa hai ngôn ngữ trong khi bé đang hấp thụ nó hoàn toàn thụ động. Bé sẽ tự tích lũy đủ tiếng anh và tiếng việt để hiểu từ này trong tiếng Việt có thể diễn giải như thế nào. Ở video để xem ở bước này thì cần chọn những video ngắn nên có thời lượng dưới 10 phút mà tốt nhất là từ 2-5 phút để bé có thể hiểu một cách nhanh chóng cũng như không bị ngập vào việc xem video gây mệt mỏi và khó chịu. Có rất nhiều kênh và chương trình hay ho với thời lượng mỗi tập từ 2-5 phút mà mình đã lưu lại sẽ được tổng hợp trong bài viết sau.
Lúc này là giai đoạn vừa nghe vừa xem, có thể vừa đọc sách, mua thêm sách tiếng Anh cho bé xem hình, để hiểu được bối cảnh, cấu trúc và từ sử dụng trong tiếng Anh. Đối với cha mẹ không biết tiếng anh hoặc không giỏi, không tự tin nói tiếng anh với con vì sợ con sai thì có thể tìm mua sách có audio cho bé nghe. Sách gì thì có rất nhiều, bạn cứ thử mua vài loại và xem bé thích thể loại nào thì tiếp tục mua cho bé. Thực ra các bé nhỏ cứ sách màu là thích, có thể chọn mua những cuốn sách kết hợp cả dậy cho bé các kỹ năng sống, các câu chuyện ý nghĩa, truyện cổ tích cũng rất hiệu quả.
Chỉ cần cứ tiếp tục như thế, sẽ đến lúc bé tự nói, tự bật ra những câu từ mình đã nghe và tự sắp xếp được đúng chuẩn, mà chưa cần phải học tới ngữ pháp chuyên sâu. Sau đó thì việc đọc và viết chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tất nhiên mỗi trẻ khác nhau sẽ có đặc điểm và khả năng, nền tảng khác nhau. Nếu bố mẹ muốn tìm hiểu chi tiết hơn hoặc cần hỗ trợ thì cứ để lại liên lạc trong comment hoặc viết ra những khó khăn của con mình để mình chỉ thêm nhé.
Đọc thêm các bài chia sẻ khác: Phonics Học thế nào với Oxford Phonics World