You are currently viewing Cách khai thác Oxford Phonics World đầy thích thú cho trẻ

Cách khai thác Oxford Phonics World đầy thích thú cho trẻ

Vì sao vừa học vừa chơi?         

    Đối với các  bạn nhỏ, việc quan trọng nhất trong quá trình học tiếng anh chính là sự hứng thú và yêu thích. Chúng ta có thể vẫn ấn bạn lớn ngồi xuống học và làm bài nhưng các bạn nhỏ thì lại khác. Nhỏ bé mà, thường sẽ rất khó để bắt đầu việc gì mà các bạn không cảm thấy thú vị hay được kích thích. Do đó trong suốt quá trình dạy học cho con gái mình, mình luôn tìm tòi nghiên cứu đủ phương pháp trên thế giới từ châu âu đến châu mỹ, châu Á, từ Anh Ý Pháp Nhật Đức Mỹ…. Để tìm ra và chắt lọc những phương pháp, tài liệu, cách thức hay nhất, phù hợp nhất và thú vị nhất sau đó điều chỉnh với bạn nhà mình. Do đó bạn ấy luôn học những thứ mới khi đang chơi, đang giải trí và rất nhiều niềm vui. Đến việc học tập đọc nền tảng của tiếng anh cũng vậy. Có thể nói là bộ Oxford Phonics World là một trong những bộ sách không thể chê vào đâu được. Tuy nhiên, để khơi gợi thích thú và khai thác bộ sách thì bố mẹ và thầy cô có thể triển khai những cách học đi kèm các game như sau tùy theo số lượng trẻ.

    Đằng sau mỗi quyển sách đều có bộ thẻ để trẻ sử dụng cho mỗi bài, bố mẹ nên cắt ra để tận dụng chơi các trò chơi dưới đây.

  1. Đối với một trẻ bạn có thể sử dụng một số giáo cụ như búa đập, rung chuông cho trẻ nghe âm thanh và tên của các thẻ để dùng búa đập hoặc nếu nói đúng thì được rung chuông. Đối với trò dùng búa này thì khá đơn giản. Bạn chỉ việc trải thẻ trên sàn và bật audio gọi tên thẻ để trẻ đập hoặc chạy nhanh rung chuông và đưa thẻ cho bạn với việc rung chuông.

    2. Trò nhặt thẻ (dùng cho từ 1 đến nhiều trẻ, càng đông càng vui. 4-5).

      Ở trò này bạn có thể làm cùng trẻ xếp thẻ ngẫu nhiên trên sàn/bàn hoặc bất kỳ mặt phẳng nào sau đó bạn có thể bật loa hoặc tự gọi tên thẻ ngẫu nhiên để trẻ nhanh chóng tìm thẻ và nhặt lên. Sau khi kết thúc các bạn sẽ tự đọc tên từng thẻ, bạn nào đọc không đúng tên thẻ quá 2 lần thì thẻ đó lại bị loại ra khỏi danh sách thẻ bạn ấy đang cầm. Cuối cùng trẻ tự đếm số thẻ nhặt được và nói đúng, bạn nào có nhiều nhất là thắng cuộc. Xem mẫu ở video tại đây.

    3. Trò nhặt thẻ theo đoán câu mô tả/gợi ý: >= 1 trẻ.

      Tương tự như trò chơi số 2 nhưng trong trường hợp này thay vì gọi tên các thẻ bạn có thể đưa ra một số câu đố gợi ý. Ví dụ mình thường phân ra loại thẻ về con vật, về đồ vật, con người, đồ ăn và các nơi (places) sau đó sẽ đưa ra một số gợi ý. Ví dụ khi mới chơi bạn nên báo trước về loạt thẻ animals mà bạn sẽ đố. Sau đó tùy loại thẻ mà bạn đưa ra gợi ý “my name starts with letter E and i have long trunk and 2 big ears”… cứ như vậy để trẻ đoán và nhặt thẻ lên. Với trò này trẻ có thể được học rất nhiều thứ liên quan tới bộ thẻ tự nhiên, xã hội, môi trường…. Mà không thấy chán.

        4. Trivia time

    Tương tự như trò nhặt thẻ phía trên, trò này dành cho các bạn đã cực kỳ quen và có vốn từ nhất định. Bạn có thể chơi trò này sau khi chơi trò số 3 nhiều lần. Trẻ sẽ là người đưa ra câu đố và bạn đoán. Tuy nhiên bạn nên để trẻ nói được câu gợi ý là âm (sound) của chữ cái tương ứng. Trò này thực sự rất tuyệt vì giúp trẻ vận dụng và tổng hợp vốn từ một cách tối đa, linh hoạt qua những gì đã học nhưng lại cần bạn có tiếng anh tốt để đồng hành.

 5. Trò Đoán Chữ Tìm Thẻ:

      Bạn có thể chia trẻ thành 2,3 đội tùy số lượng trẻ và xếp thành hàng dọc. Sau đó bạn viết chữ cái bằng tay lên lưng trẻ hoặc nói thầm âm chữ cái để chỉ trẻ đầu tiên nghe được sau đó trẻ sẽ tiếp tục dùng tay viết chữ cái lên lưng trẻ tiếp theo hoặc nói thầm vào tai trẻ tiếp theo cho đến khi trẻ cuối cùng nghe hoặc nhận được thông tin. Lúc này trẻ cuối cùng sẽ chạy thẳng về phía hộp thẻ để tìm các thẻ có chữ cái với âm tương ứng và chạy về. Trò chơi tiếp tục đến khi hết thẻ hoặc khi bạn muốn dừng để đổi trò. Đây là trò chơi vừa vận động vừa phải tập trung nghe và cảm nhận rất cao đồng thời cần trẻ vận dụng trí nhớ tốt để tìm được tất cả các thẻ của chữ cái tương ứng.

6. Trò bao kéo búa:

       Đây cũng là trò dành cho nhóm lớp nhiều bạn. Bạn chia trẻ thành 2 nhóm đứng đối diện nhau, ở giữa là các thẻ được trải dọc. Cứ 2 bạn đi trước chơi trò rock scissor paper, bạn nào thua sẽ nói tên thẻ hoặc nói tên thẻ trong các bài trước nhưng không được lặp lại các từ đã nói.

Còn tiếp….