You are currently viewing Có nên cho vay mượn không?

Có nên cho vay mượn không?

  • Post category:Chuyện Hiền kể
  • Post last modified:March 22, 2023
  • Reading time:15 mins read

Top 1: Văn hóa VAY MƯỢN – TRẢ

        Hôm nay trời nắng rực rỡ quá, đúng nắng vàng, trời xanh và mây trắng bay. Nhân tiện về câu chuyện về tổng kết tài chính của gia đình hàng tháng, mình lại nghĩ tới mấy việc và ngẫm nghĩ mãi cũng thấy lạ.

         Mình vẫn nói cho đi thì bạn mới sống hạnh phúc và thành công đúng như bạn định nghĩa. Tuy nhiên thì việc cho vay, cho mượn nó lại là một chuyện khác. Từ những vật dụng đơn giản, bình thường như cái bút, quyển sách đến những đồ đạc có giá trị như máy tính, điện thoại, xe đạp, xe máy, ô tô đến tiền bạc đều có thể đem ra vay mượn, miễn là nó có giá trị cho người vay mượn. Nghĩ tới đây thì tất cả những thứ này mình đã từng cho “mượn” cả. Tính mình khá thoải mái và xởi lởi, ai cần gì, thiếu gì nếu hỏi đến mình, mình sẽ luôn cố gắng hết sức để giúp đỡ, người bình thường mình không quen biết đã vậy, đến bạn bè thân thiết thì mình càng nỗ lực hơn trong khả năng của mình chứ không nhờ cậy người khác để giải quyết vấn đề. Bản thân chồng mình cũng là một người như vậy. Chồng mình ít nói, hiền lành và cũng cực kỳ dễ chịu. Chồng mình vẫn luôn nghĩ “nếu mình không giúp đỡ, cho vay mượn người ta thì sau này khi có việc mình cũng chả thể nào kiếm được người giúp đỡ và vay mượn lại”. Đúng là như thế, và mình cũng nghĩ nếu không có chiều đi thì cũng khó có chiều ngược lại nên mình trân trọng suy nghĩ của chồng mình. 

            Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là như thế đặc biệt là với người ít hỏi xin sự giúp đỡ như mình trừ khi thực sự không còn cách nào khác, cụ thể là với chuyện tiền bạc. Mình nghĩ tính tới thời điểm hiện tại, mình chưa từng vay mượn bất kỳ một ai trong mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, người quen của mình (đoạn này thì trừ gia đình anh em trong nhà ra nhé 😀 cái này mình cũng chỉ mới có 1 lần thôi hehe). Không phải vì mình có nhiều tiền mà chỉ đơn giản mình luôn có sao làm vậy, không có “sao” thì mình sẽ cố gắng nỗ lực hết sức để làm ra “Sao”. Các mối quan hệ xã hội giúp mình sống tốt đẹp và hoàn thiện hơn nên mình rất tránh nguy cơ có thể ảnh hưởng đến. Cho nên bạn bè tốt mình có rất nhiều, bạn bè cực cực tốt và cực cực thân cũng rất nhiều, những bạn bè này có thể sẵn sàng ném tiền cho mình vay nếu mình hỏi, có khi còn chẳng phải mở miệng hỏi nó đã biết mình cần rồi. Nhưng đó là bởi vì bọn mình đều đã đạt để độ hiểu đủ để có thỏa thuận vô cùng rõ ràng trong việc vay mượn và trả lại như: 

  • Vay để làm gì? 
  • Chừng nào thì trả? 
  • Trả theo hình thức nào? 
  • Ai là người vay, mượn và ai là người trả? 

          Mọi thứ đều rõ ràng như thế và gần đây thì mình cũng thường làm như thế hơn đối với bất cứ ai hỏi vay mượn gì đó từ mình kể cả là anh chị em ruột hay người bạn thân thiết. Sự rõ ràng là vô cùng cần thiết trong mọi mối quan hệ, ít nhất mình cũng tin là như thế, bất cứ một sự mập mờ nào cũng đều có thể dẫn đến những hiểu lầm không cần thiết, không đáng có và trở nên nguy hại cho nên khi làm bất cứ việc gì mình đều muốn làm rõ vấn đề trước hết, trước khi tiến hành. 

             Tuy nhiên, nhìn xung quanh thì mình thấy có nhiều kiểu rất lạ, hoặc ít nhất là lạ so với mình. Có nhiều người, có khi cũng là bạn bè tốt, (kiểu bạn bè chả mấy khi liên lạc nhưng có dịp lễ hay nghỉ gì thì cũng alo nhau), hoặc bạn bè khá thân khi cho nhau vay mượn lại chẳng mấy khi hỏi rõ là mượn bao lâu, mượn chừng nào trả, mượn vì mục đích gì và người cho mượn đôi khi rất ngại từ chối vì nhiều lý do bao gồm cả nể, trọng bạn, ngại hỏi vì sự riêng tư, hoặc đôi khỉ chỉ vì số tiền/tài sản cũng nhỏ nhặt không quan tâm lắm. Với mình, thì mình cho đó là sự thiếu trách nhiệm với chính bản thân người cho vay và người được cho vay. Bạn có trách nhiệm với món đồ của mình, tài sản của mình dù nó nhỏ hay lớn bạn cần phải quản lý và để tâm tới nó bởi có thể hôm nay của bạn món đồ đó là nhỏ, nhưng ngày mai, ngày kia và những tháng này sau nữa, trong lúc tăm tối của cuộc sống hoặc lúc bạn bỗng nhiên cần tới, nó lại là một con voi khổng lồ vô cùng quan trọng và tới lúc đó bạn – người cho vay sẽ làm gì để hỏi lấy lại? Có phải sẽ hơi gượng ép và khó khăn không? Có phải cũng cảm thấy hơi đau đầu và ngại ngần không? Có khi lại còn cảm thấy mình có phải hơi nhỏ mọn không? Oh, nhưng mà bạn ơi, mình nghĩ thời gian mà tính bằng “năm” thì cũng đủ để bạn nên hỏi rồi đó.

            Còn người được cho vay hay còn gọi là người đi vay, mình nghĩ trong trường hợp này là người chủ động tình huống. Vì sao? Vì vấn đề phát sinh từ phía người đi vay, cần nên mới tìm nguồn cung, và đi hỏi. Nhưng nhiều khi hỏi vay thì cũng ngại, nghĩ tới nghĩ lui trong danh sách, hỏi thử vài người không được, hỏi người được rồi cứ thế riết lần sau, lần tới cứ cần là lại hỏi nhưng cái chuyện trả lại thì nó cứ không bao giờ được rõ ràng. Ok, công nhận là đời có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên và biến động, không dự đoán trước được tương lai, nhưng người có trách nhiệm đi hỏi vay thì theo mình, dĩ nhiên cần có trách nhiệm nói rõ chừng nào trả lại bởi đơn giản phần tài sản đó không hề thuộc về người cho vay! 

             Đơn giản đi vay cả một cục một lần, người cho vay cũng phải xoay sở cân nhắc mới quyết định được thì khi trả cũng nên trả một cục một lần chứ lại có kiểu lắt nhắt trả một ít rồi lại một ít xong cuối cùng còn một nửa hoặc một ít thì lại kiểu “thôi, quên luôn, có tí đáng gì” hoặc kêu cả khổ sở nào là “tao/anh/em đang khó khăn xoay đủ kiểu lắm chưa có tiền trả được” khóc lóc tới lui. Ủa cái lúc nhận tiền vay từ người ta thì sao? Nhớ tới một câu “ăn được thì cười hihi, mất ăn thì khóc huhu” lại thấy buồn cười. Lại cũng có kiểu thấy nhà người ta có tiền, cho vay được, chắc người ta cũng chả thiếu gì một vài triệu nên thôi, không cần trả. Ôi trời, bạn ơi, tiền nợ dù 1 nghìn đồng cũng phải trả, tiền nào thì cũng là tiền, người ta có điều kiện hay không người ta cũng vất vả làm lụng kiếm và chắt chiu chứ có phải mưa từ trên giời rơi xuống đâu. 

                 Sau nhiều lần như thế, cứ gặp nhau giữa những người cho vay và được vay, không còn nhắc tới cả khoản tiền hay món đồ đã từng được cho vay ấy nữa, cứ như là “như chưa hề có cuộc cho vay” cho đến khi một bên cho vay thật sự cần và phải hỏi thì bên được vay lại không may “mấy nay mình lại đang hơi bấn”. Hoặc thậm chí, người được vay có sẵn tiền, điều kiện để trả lại ấy nhưng mà vì người cho vay chả hỏi, lâu dần, cũng không đả động tới việc trả lại hay không. Nhiều trường hợp mình cũng thấy khá buồn cười ở chỗ, người đi vay, sau một thời gian lại hỏi người cho vay “chừng nào cần trả thì bảo tao/tôi/anh/em/bạn để tìm cách xoay trả nhé”. Ơ, tại sao cái việc đó nó lại thành như thế? Những tưởng bạn đi vay thì bạn phải nhớ lịch mà trả chứ nhỉ? Trong trường hợp mà được hỏi câu như thế thì mình chắc chắn sẽ trả lời “À, bây giờ bạn có thì cứ trả mình luôn đi, lúc nào cũng cần mà 😀 “. Bởi sau một thời gian dài bạn không có ý thức và trách nhiệm trả nữa thì người ta cũng cảm thấy nản dần mà dần né tránh bạn. 

             Trong chuyện này, cần phải nhấn mạnh rằng mối quan hệ vay – trả được quyết định bởi cả hai đối tượng, không chỉ có người đi vay mới có trách nhiệm mà người cho vay cũng cần có ý thức và trách nhiệm. Việc một người cho vay dễ dãi và xuề xòa theo kiểu “uh thôi, cứ cầm đi bao giờ có thì trả cũng được” hay “thôi, biết bạn khó khăn rồi, cái này cho vay lâu dài, dần dần trả mình sau cũng được” nhưng mình nghĩ cái kiểu xuề xòa này lại là điểm có hại cho người đi vay và mối quan hệ của 2 người. Bởi cuộc sống cứ mãi dễ dãi như thế, họ sẽ lại quay lại tìm bạn, hoặc họ cũng sẽ “dễ dãi” như thế trong cách sống với người khác và với chính bạn và thiếu trách nhiệm với hành động của mình. Đấy gọi là “vẽ đường cho hươu chạy”, suy cho cùng cả hai bên đều phải có trách nhiệm trong hành động của mình.

           Cá nhân mình mà phải mượn ai bất cứ cái gì thì trong lòng cũng luôn khắc khoải nghĩ tới xem dịp nào mình trả lại được và làm thế nào để gặp người cho vay để trả lại được, nó giống như cái khoản “nợ” treo lủng lẳng, không giải quyết thì cứ thấy nó khó chịu thế nào.  

          Mà các bạn biết không, chuyện vay mượn và trả đúng kỳ hạn hoặc có nội dung rõ ràng nó có ý nghĩa đánh giá chính bạn. Bạn có phải là người nói một đằng làm một nẻo không? Có phải là người nói lời giữ lời không? Có phải là người biết trân trọng một giao kèo không? Có phải là một người rõ ràng và sòng phẳng không? Có phải là người đáng tin cậy để làm ăn lần nữa không? Mình nghĩ nó đơn giản xuất phát từ việc vay mượn và trả đúng hạn như thế đó.

        Sau cùng thì người ta vẫn nói “tiền bạc phân ly, ái tình dứt khoát” là vô cùng chí lý.