You are currently viewing Làm sao để giảm bớt cơn “tantrums” của….”bậc” cha mẹ???

Làm sao để giảm bớt cơn “tantrums” của….”bậc” cha mẹ???

        Đầu tiên phải giải thích một chút tại sao mình dùng chữ “tantrums” thay vì viết hẳn tiếng việt “sự nóng giận/ “cơn điên” …. Và rất nhiều từ khác trong tiếng Việt phong phú có thể sử dụng để mô tả việc mỗi lần chúng ta “nổi cơn tam bành”. Lý do cơ bản là cái từ “tantrum” này đối với mình mà nói có thể mô tả một cách tổng quát bao hàm tất tần tật các từ mô tả việc chúng ta “lên cơn” nhất. 

           Có rất nhiều bài viết, nhiều video, nhiều chia sẻ cực kỳ tuyệt vời của những bậc cha mẹ mẫu mực, dành toàn bộ năng lượng, sức lực, trí não và tình cảm vào việc dạy con kiểm soát cảm xúc, hoặc đồng cảm, thấu hiểu cảm xúc của con để giúp con bình tĩnh và điều phối được tâm lý của con. Mình đều đã đọc và xem rất chi tiết và thực sự cảm phục những cha mẹ phải nói là “bậc thầy” trong việc “chịu đựng” những “quả bom” cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ nhỏ tuổi này. Bố mẹ có thể ngồi hàng giờ cùng con ngồi nhìn và chờ đợi để con chủ động tới ôm lấy mình. Đây thực sự là điều tuyệt vời mà chính bản thân mình cũng đã từng phải thắc mắc vì không hiểu sao và làm thế nào để những người cha, người mẹ đó có thể làm được như vậy.

          Bản thân mình là một người cực kỳ nóng tính, và nóng có tiếng. Sinh ra và được nuôi dưỡng trong một gia đình mà bố là người vô cùng nóng nẩy, thậm chí bạo lực trong việc dậy con cái, mình cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng. Tuổi trẻ, mình nóng tính tới mức chính cả tập thể đi cùng mình cũng phải e dè mỗi khi mình không thoải mái hay không hài lòng vào việc gì. Đến khi có con, mình cũng đã từng trải qua những “cơn điên” đầy tiếc nuối khi con còn nhỏ, cũng bởi vì mình không thể kiểm soát và điều phối được cảm xúc của bản thân. Sau mỗi lần như vậy mình lại ngồi vào một góc, khóc tu tu vì cảm thấy thất bại trong việc dậy con, trong việc đồng hành và thấu hiểu con. Rồi mình lại tự hứa sẽ không bao giờ lặp lại chuyện đó nữa, không bao giờ được phép làm con sợ hãi mình nữa, không bao giờ quát mắng con nữa, không đẩy con ra xa nữa…. Nhưng rồi sau một thời gian chuyện như vậy vẫn tiếp tục  xảy ra một cách đáng tiếc….

         Tuy nhiên trên con đường ấy, mình cũng chiêm nghiệm ra rất nhiều điều để cải thiện bản thân mỗi khi sắp sửa đối mặt với việc “lên cơn” của chính mình. Mình dần dần nâng được khả năng “chịu đựng” hay nói đúng hơn là khả năng thấu hiểu và lắng nghe cảm xúc của chính mình và của chính con. Một phần do luyện tập, một phần do mình đọc rất nhiều sách “đông tây kim cổ” khác mà mình phải lục lọi khó khăn lắm mới tìm được. Mình dám chắc là rất nhiều sách này các bậc làm cha mẹ chưa từng tìm thấy hoặc đọc được, đó là những sách cực kỳ quý hiếm từ những năm 18xx. Tuy nhiên, một phần lớn nhất quyết định sự thay đổi, tiến bộ và nâng cấp bản thân mình chính là việc nhìn vào mối quan hệ của 2 mẹ con và nhìn vào tính cách, đặc tính của chính mình và con. Bởi không có một quyển sách nào, không có một phương pháp, một chiêu trò hay một khung giải pháp cụ thể nào có thể áp dụng lên con của bạn, lên bạn – là những cá nhân hoàn toàn khác, ở một điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, môi trường, gia đình hoàn toàn khác.

        Điều đầu tiên

           trên hành trình làm cha mẹ không phải chỉ đơn giản là dậy con làm chủ cảm xúc của bản thân mà thực ra cần lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của bản thân mình trước nhất. Tất cả mọi cơn giận hoặc cảm xúc tiêu cực, tích cực của mình hiện tại đều do các tác nhân bên ngoài tác động. Sự việc diễn ra như thế nào là cách môi trường khách quan vận động, còn việc cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta ra sao lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta. Tại cùng thời điểm đó, cùng một sự việc đó, chúng ta của ngày hôm qua có lẽ sẽ có phản ứng hoàn toàn khác với ngày hôm nay.

       Ví dụ

      Ngày hôm qua bạn đi làm về sớm, công việc thuận lợi nhẹ nhàng không khiến bạn áp lực nên việc con làm đổ cốc sữa rồi vầy nước tung tóe khắp sàn nhà, mặt bàn thậm chí dẫm cả chân cả người nhoe nhoét lên quần áo lại không khiến bạn quá bực bội. Có lẽ lúc đó bạn chỉ đơn giản nhắc nhở con lần sau hãy cẩn thận hơn hoặc theo các chuyên gia khác là con đang tìm hiểu khám phá thế giới cứ để con tự do (mình thì cũng toàn là để cho vầy chán thì thôi). Nhưng nếu là sự việc của hôm nay, khi bạn trở về nhà với cả thể xác và tinh thần mệt mỏi, nhìn thấy con mình làm đổ ụp bát cơm canh và ngồi trong đống lộn xộn đó mà tương lai gần là bạn chính là người phải dọn sạch chỗ đó, phải bế con đi lau rửa… lúc đó có lẽ bạn sẽ bắt đầu lên cơn, hét và quát, và thậm chí là khóc toáng lên. Được mà, khóc đi, không sao cả. Để con nhìn thấy cảm xúc của bạn, cứ ngồi khóc cứ ngồi hét, nhưng trước đó thì nói với con một câu “Mẹ chịu hết nổi rồi, mẹ phải khóc và hét cái đã” rồi làm. Sau khi khóc hét chán chê xong thì bạn có thể quay lại và yêu cầu con dọn dẹp cùng mình nếu con đã 2,3 tuổi việc này hoàn toàn làm được nhé. Còn đối với những bé nhỏ tuổi hơn, không làm được thì ngay sau khi dọn dẹp xong lại cần bạn ngồi lại và nói chuyện với con về cảm xúc của mình.

         Bạn dậy con gọi tên cảm xúc của con, thì cũng đừng quên gọi tên cảm xúc của mình, nói cho con biết mình đang cảm thấy như thế nào, vì sao mình cảm thấy tệ như thế, cứ nói đi nói lại cũng được, bởi khi nói ra bạn sẽ chắc chắn cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy nhìn nhận con như một cá nhân bình đẳng và có đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm như chính bạn chứ không phải là một đứa trẻ không hiểu chuyện. Chúng ta cho rằng “lũ trẻ nhỏ không hiểu chuyện” nói cũng vô ích, nhưng thực ra đôi mắt và trí não của chúng vẫn làm việc, và đánh giá nhìn nhận vấn đề ở một góc độ hoàn toàn khác – ở một góc độ cực kỳ đẹp và tự nhiên bởi chưa hề bị ảnh hưởng từ bất cứ một kiến thức hay kinh nghiệm từ bên ngoài nào vào sự việc.

           Cá nhân mình, khi mình nổi điên, mình cũng đều nói với con là mình sắp điên lên rồi, bởi vì cái lọ cái chai, tất nhiên ở một giọng nghiêm trọng hơn tông giọng bình thường một chút để con có thể nhanh chóng hiểu vấn đề. Mình cũng đề ra một quy định là khi đối phương “lên cơn” thì người kia cần có trách nhiệm giúp đỡ “hạ cơn” cho đối phương vì “hạnh phúc chung” của gia đình chứ không phải vì phạm lỗi hay làm sai mà phải có trách nhiệm. Bản thân bạn khi nóng giận, mọi giác quan, dây thần kinh đều đang bơm máu lên não với một tốc độ chóng mặt, có lúc khiến chính mình mù quáng, không biết phải giải quyết thế nào, vậy thì có 2 phương án:

      1, Đưa tay ra để chạm vào đối phương, lại gần nhau, nối liền khoảng cách, ôm nhau kể cả lúc đó có đang bực với nhau đến thế nào đi nữa. Bởi nguồn cơn của mọi trận quát mắng chính là vì trái tim không chạm nổi tới nhau nên phải hét to hơn nữa, quát lớn hơn nữa.

     2, Báo cho đối phương biết mình chuẩn bị lên cơn và đi sang một phòng khác hoặc ra hẳn ngoài ngồi 1 góc cho cơn được giải tỏa nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đối phương.

          Tuy nhiên mình sẽ luôn luôn ủng hộ cách số 1 hơn là cách số 2 bởi vì số 2 đối với mình là chạy trốn khỏi thực tại, mặc dù tự tìm cách đối diện với cảm xúc của bản thân và giải quyết nó là tốt nhưng đối phương sẽ rất hoang mang và không hiểu mình vừa có tác động hoặc làm gì ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như lợi ích chung. Trừ khi đây là lựa chọn cuối cùng bạn không thể làm cái số 1 kia bởi quá điên máu. Mình dậy con mình cách tôn trọng, thấu hiểu cảm xúc của người khác, nghĩ đến cảm xúc của người khác. Mình cũng dậy con làm gì với người khác nhìn chung sẽ nhận lại kết cục tương ứng hoặc có khi còn tệ hơn. Có lúc nhìn thì cũng thấy hơi “phũ”, con kéo tóc mình có chủ đích, mình giật lại tóc con luôn. Mọi hành động vô tình có thể được giảng giải hoặc đáp trả một cách nhẹ nhàng để con hiểu được hậu quả đi sau nó. Còn mọi hành động là có chủ đích và cố tình thì cần thực sự rõ ràng và quyết liệt. Tức là nói được thì cần làm được. Không phải cái kiểu “con còn như thế nữa thì…bố/mẹ sẽ không nói chuyện với con nữa.” hay là “con làm thế này, bố/mẹ sẽ tịch thu đồ….luôn” nhưng chỉ sau khi nguôi giận thì đâu lại vào đấy. Thế là lời nói của bạn không hề có trọng lượng vậy làm sao để mong cầu người khác hoặc một đứa trẻ có thể tôn trọng bạn?

NÓI ĐƯỢC THÌ PHẢI LÀM ĐƯỢC

là vô cùng quan trọng.

           Hơn nữa, mọi đứa trẻ đến với thế giới này không phải nó mưu cầu mong muốn, mà là do chính chúng ta tự mang chúng đến, hầu như không có sự chuẩn bị gì về những gì sắp phải đối mặt mà chỉ đơn giản là “đẻ cho vui cửa vui nhà” hoặc “đẻ cho có anh có em”. Nhưng một mầm non mới chào đời nó cần được cung cấp đầy đủ cái quyền cơ bản “làm con” ấy, được tưới tắm và cung cấp nước, ánh sáng đầy đủ. Thiếu bất cứ một thứ gì cũng có thể làm một cái lá bị héo, một nhánh cây bị chết, một phần cây thui chột…. Những đứa trẻ tay không tấc sắt, không có khả năng tự bảo vệ bản thân, không có một hiểu biết hay kinh nghiệm nào từ cuộc sống ngoài kia, chúng đánh giá vấn đề, nhìn nhận vấn đề hoàn toàn theo cách “hoang dã” mà chúng được sinh ra. Bạn muốn chúng hiểu thì đầu tiên hãy làm tròn công tác chăm bẵm chính bản thân và cảm xúc của mình.

          Có một bài thơ rất hay này được viết bởi Kahlil Gibran từ năm 1883 cực kỳ thấm thía về mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Mình tin rằng chiêm nghiệm nó bạn sẽ rút ra được cực kỳ nhiều bài học và hiểu biết cho mình và con. Suy cho cùng chỉ có bạn mới hiểu bạn, và chỉ có bạn mới biết con bạn như thế nào, không một kinh nghiệm nào có thể áp dụng lên bạn nếu không có sự nhìn nhận vấn đề từ chính phía bạn.

And a woman who held a babe against her bosom said

“Speak to us of children”

Your children are not your children

They are the sons and daughters of life’s longing for itself

They come through you but not from you

And though they are with you yet they belong not to you

You may give them your love but not your thoughts

For they have their own thoughts

You may house their bodies but not their souls

For their souls dwell in the house of tomorrow

Which you cannot visit, not even in your dreams

You may strive to be like them

But seek not to make them like you

For life goes not backward, nor tarries with yesterday

You are the bows from which your children

As living arrows are sent forth

The archer sees the mark upon the path of the infinite

And he bends you with his might

That his arrows may go swift and far

Let your bending in the archer’s hand be for gladness

For even as he loves the arrow that flies

So he loves also the bow that is stable

Dịch nôm na có thể hiểu như sau

Con cái chúng ta chẳng phải là của chúng ta đâu

Chúng là con của Sự sống mỏi mong từ lâu

Chúng đến thế giới này thông qua bạn nhưng không phải từ bạn

Và mặc dù chúng sống cùng bạn nhưng chúng không hề thuộc về bạn

Bạn có thể trao cho chúng tình yêu thương nhưng không thể cho chúng suy nghĩ

Bởi chúng luôn có những suy nghĩ riêng

Bạn có thể cho chúng mái nhà để ở nhưng không thể là mái nhà của tâm hồn chúng

Bởi tâm hồn của chúng trú ngụ trong ngôi nhà của ngày mai

Nơi mà bạn không bao giờ có thể chạm tới, thậm chí cả trong mơ

Bạn có thể cố hết sức để giống chúng

Nhưng không thể biến chúng thành giống mình

Bởi dòng đời không đi ngược lại mà cũng chẳng bịn rịn với hôm qua

Bạn có thể là cánh cung mà ở đó
Những đứa trẻ như những mũi tên bắn về phía trước

Cung thủ có thể nhìn thấy đích ngắm trên con đường dài vô tận phía trước

Và ngài bẻ cong bạn (cánh cung) với ý chí của ngài

Để những mũi tên ấy có thể bay thật nhanh và thật xa

Thế nên bạn hãy vui mừng trong tay của tạo hóa

Bởi Ngài không chỉ yêu thương những mũi tên đang bay

Mà còn thương cả những cánh cung vững chãi.

      Thời gian tới mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về hành trình nuôi dậy con và những trải nghiệm nhớ đời của mình, không phải một người mẹ hoàn hảo, mình cũng chỉ như các bạn mà thôi. Nhưng mình đối diện với lỗi của mình cùng con và cùng con mình đi qua những khoảng tối ấy..

Đọc thêm chia sẻ của mình:

Hãy đặt bảng điểm xuống và ôm lấy con….