Sự bùng nổ của công nghệ và sự phát triển với tốc độ chóng mặt của các kênh mạng xã hội hiện nay đang xóa nhòa khoảng cách ở khắp nơi trên thế giới. Điều kỳ diệu có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi khi bạn có thể ở bất kỳ đâu cũng có thể nhìn thấy gương mặt của người thân thương chỉ bằng một cuộc gọi (tất nhiên là cả hai phải có mạng để kết nối nhé 😀 ). Đêm giáng sinh, ngày cuối năm mà bạn không thể ở bên cạnh gia đình, thì mạng xã hội và công nghệ giúp bạn dễ dàng nhìn thấy người thương và chúc nhau những lời chúc bình yên mà không còn cảm thấy cô đơn nữa.
Mạng xã hội, không chỉ có thế, còn gắn kết mọi người trên quy mô tập thể, nơi mà những con người cùng chung ý chí, cùng chung mục tiêu, cùng chung mối quan tâm có thể hội tụ lại thành một nhóm và chia sẻ hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm để đạt được nhiều điều trong cuộc sống. Bởi có những điều những kiến thức mà bạn không thể tìm thấy được ở trong vùng mà mình đang ở. Có những con người mà có thể trở thành mentor, tutor của bạn mà có thể dễ dàng tìm được trên mạng xã hội.
Mạng xã hội, ở một mức độ, điều kiện hoàn cảnh cụ thể nào đó còn giúp chữa lành trái tim, giảm bớt đau khổ, bớt cô đơn. Có khi chỉ đơn giản là xem được 1 video về một số phận tương đồng, hoặc đọc 1 câu chuyện đời nào đó mà đồng cảm được cũng khiến người xem cảm thấy ấm áp hơn. Hãy thử nghĩ lại thời gian mà covid lan tràn khắp thế giới, mọi người bắt buộc phải ở lại nhà, không còn một kết nối cộng đồng nào với bên ngoài. May mắn nếu bạn ở cùng gia đình, vẫn có người để bạn cầm tay, ăn cơm chung, ngủ chung chơi chung. Nhưng có hàng trăm nghìn người trên thế giới họ đang vô tình rơi vào hoàn cảnh ở một mình, không có ai bên cạnh vì giữa lúc họ đang đi công tác, đi học, đi làm mà bị kẹt lại do dịch. Mạng xã hội lúc đó, lại chính là phương thuốc giữ cho họ sự lạc quan, bình tĩnh và an toàn.
Tuy nhiên tất cả sẽ chỉ tốt nếu dừng lại ở sự liên lạc, chia sẻ thông tin có giá trị. Nhưng “giá trị” ở đây lại có nhiều định nghĩa khác nhau. Một người quá mệt mỏi với công việc và gia đình, “giá trị” đó lại chỉ là 1-2 phút lướt video cười có khi là vô nghĩa chỉ để gây cười và thoải mái tinh thần hơn. Một người cảm thấy không thể có tiếng nói chung cùng gia đình và mọi người xung quanh thì “giá trị” mà mạng xã hội mang lại, lại có thể là tất cả.
Chúng ta nhìn chung, số đông, “giá trị” mà chúng ta sử dụng hàng ngày chính là: Lướt. Lướt gì? Lướt video, lướt ảnh, lướt thông tin…
Mà bởi vì lướt, nên chúng ta cảm thấy thật dễ dàng để làm theo, không cần phải suy nghĩ, không cần phải động não. Bản chất con người vẫn là thích “Lười”. Bạn thử nghĩ kỹ mà xem có lúc nào bạn không muốn “cho mình lười” một chút?. Mỗi hình ảnh video chỉ là vài giây hoặc vài phút ngắn ngủi, nên nghĩ không hề tốn thời gian. Nằm một hồi với cái điện thoại trong tay cho đến khi con bạn đập vào tay bạn và hét lên “Con buồn ngủ, con đói, con muốn đi vệ sinh….” bạn mới cuống cuồng nhận ra bạn đã lướt được cả nửa tiếng, cả tiếng đồng hồ và không hề nhận ra xung quanh đang như thế nào.
Những mặt tối và mặt xấu của mạng xã hội thì càng không thể kể hết, có biết bao nhiêu dạng bắt trước video và làm theo, dẫn đến gây thương tích cho chính mình, thậm chí đến cả tính mạng…. Còn chưa nói tới những sai lệch về hành vi, về thái độ sống, về tư tưởng trở thành tệ nạn xã hội hoặc tổn thương chính tinh thần của mình.
Đối với con trẻ của bạn, đặc biệt là trẻ vị thành niên thì điều này còn càng khó hơn trong thời đại ngày nay. Bởi vì chúng được sinh ra trong thời đại của công nghệ, sinh ra khi mà xung quanh chúng vây quanh bởi quá nhiều thiết bị công nghệ hiện đại. Sự hiện diện của mạng xã hội có ở khắp mọi nơi trong nhà từ những màn hình điện thoại, máy tính, tivi của bố mẹ và gia đình. Việc học tập online, làm việc nhóm, kinh doanh kiếm tiền trên mạng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó với sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ, luôn muốn khẳng định bản thân, luôn muốn chứng minh và thể hiện mình, mạng xã hội vô hình chung lại là chỗ khiến tuổi trẻ cho rằng bản thân đang được công nhận và đang được biết đến nhiều nhất. Lượt xem, lượt thích, lượt theo dõi, khiến chúng sống vào những con số ấy.
Gần đây, tại các buổi hội thảo, các buổi nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm hay tham vấn của tuổi trẻ tại các trường đại học hoặc tại các hội thảo, gặp gỡ, lý lịch của người nói/người thuyết trình lại bắt đầu bằng: có bao nhiêu lượt theo dõi, lượt thích trên các nền tảng xã hội. Và đó được coi là thành quả, một cách nào đó, đang công nhận đây chính là “thành công”. Thì cũng đúng mà, để được nhiều người biết đến, nhiều người theo dõi cũng phải đầu tư rất nhiều công sức và thời gian xây dựng. Tuy nhiên, đáng lo ở chỗ chính là việc này ngày càng nhiều hơn, thậm chí thu hút giới trẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết….Thế thì thoát thế nào được sức hút của mạng xã hội?.
Làm thế nào???
Để có thể hướng chính mình và con trẻ của bạn đứng vững trong thời đại tràn lan mạng xã hội này thực sự rất khó khi kể cả chính bạn và con không sử dụng thì môi trường xung quanh, bạn bè, người thân ngày nào cũng dơ ra và xem, theo dõi. Có thể dẫn dắt con bạn nhìn vào thứ tạo ra giá trị thật, hướng vào chân cảm xúc của chính mình. Hãy đặt vào tay con và tay mình một quyển sách thú vị để cùng chia sẻ và đối thoại nhiều hơn, nhìn vào mắt nhau nhiều hơn. Hãy cùng nhau dành thời gian rảnh, cuối tuần đi tới một nơi nào đó để sống, trải nghiệm và hòa mình với thiên nhiên một chút. Mỗi ngày một chút sự cải thiện chắc chắn sẽ rõ rệt để có thể hình thành thói quen.
Xem thêm về các bài viết tản mạn khác:
Định luật Murphy? Cơ chế hoạt động như thế nào và mức ám ảnh của nó?