You are currently viewing Trăn trở ở ngưỡng tuổi 18. Học đại học để làm gì?</strong>

Trăn trở ở ngưỡng tuổi 18. Học đại học để làm gì?

Mày định làm ngành gì đấy?

        Trưa nay mình có nghe phóng sự về việc những bạn trẻ ở thế hệ gen Z đang rơi vào tình trạng hoang mang về việc chọn ngành nghề, chọn trường để tiếp tục theo đuổi sau khi kết thúc cấp 3. Việc chọn ngành nghề gì, chọn trường nào vẫn luôn là một vấn đề muôn thuở, khắc khoải trong lòng không chỉ tuổi trẻ trâu mà cả chính các bậc phụ huynh từ nhiều năm về trước. Cứ mỗi lần đến cái kỳ hoa phượng nở, ve kêu nhức lòng là khắp làng, khắp xóm, khắp ngõ lại chỉ có một câu chuyện duy nhất:

    • Con nhà chị năm nay thi trường nào thế?
    • Thế nó định làm gì sau này mà chọn trường đấy?
    • Ối giời ơi, làm cái nghề đấy thì có mà chết đói à?
    • Tao chả biết chọn cái gì mày ạ?

          Đáng lo ngại nhất hiện nay lại không chỉ ở chỗ chọn nghề nào, chọn trường gì, mà còn ở chỗ “học đại học để làm gì?”, hay “học đại học xong có kiếm được việc không?”. Những câu hỏi này càng ngày càng nhiều, và là những câu hỏi đặc biệt nguy hiểm. Trào lưu kiếm tiền sử dụng mạng xã hội khiến việc đặt câu hỏi số 1 “học đại học để làm gì?” càng trở nên đáng lo ngại hơn. Bởi ở đây xuất hiện hàng trăm kênh tiktok, youtube tận dụng các chủ đề mang tính tranh cãi đem ra nói và đưa “lời khuyên” từ những “chuyên gia” với vài trăm ngàn lượt view, lượt like, lượt theo dõi.

         Đáng sợ hơn, những chuyên gia này còn chưa một lần bước chân ra đời, chưa hề có bài học vấp ngã, hoặc thậm chí còn chưa hề có một chút kinh nghiệm nào về khó khăn, từng trải, về cuộc sống mà chỉ là những ông thần bà thánh, nữ hoàng câu view. Mục đích đem lại cuối cùng không phải là cho bạn những “lời khuyên” cứu vớt cuộc đời, mà chỉ là số lượt tương tác của bạn sẽ giúp họ kiếm được thêm bao nhiêu tiền? Còn chưa nói đến, không một “lời khuyên” hay một cá nhân nào có thể cứu vớt cuộc đời bạn chỉ qua việc bạn ngồi nghe họ nói hay họ khuyên giải về cái việc mà bạn chênh vênh nhất, ở thời điểm chênh vênh nhất của tuổi trưởng thành, tuổi 18 đôi mươi.

         Vì sao bạn lại rơi vào tình trạng ấy?

         Đơn giản thôi từ lúc sinh ra tới giờ, ngoại trừ 6 năm đầu đời được sống theo “tiếng gọi của tự nhiên” thì bạn đã được đặt vào ghế nhà trường. Ở đó bạn được dậy ròng rã trong vòng suốt 12 năm, 1 năm 9 tháng về việc làm theo cái mà người khác bảo bạn làm, nói chính xác hơn, là học cách “nghe lời”. Bạn đi học theo lộ trình, học theo giáo án soạn sẵn, đến giờ thì nghỉ, hết giờ thì về ăn cơm, tới giờ thì đi học, học xong thì về nhà làm bài tập đã được định sẵn. Tất cả theo trình tự rất rõ ràng và kỷ luật. Điều này giúp xã hội ổn định và trật tự hơn, thật sự rất tốt. Tuy nhiên thì bởi vì thế nên gần như việc duy nhất, ý niệm duy nhất trong đầu bạn trong suốt 12 năm dưới mái trường ấy chỉ về việc làm thế nào để đứng top 1 lớp, làm thế nào để đạt điểm cao, làm thế nào để vượt qua kỳ thi cuối năm, làm thế nào để được lên lớp hay làm thế nào để qua được một môn học? Còn cha mẹ của chúng ta, chỉ tập trung còng lưng làm việc để bạn có thể tập trung vào một việc duy nhất: HỌC!

            Rồi đùng một cái bạn 18 tuổi, tương đương với bố mẹ bạn cũng ở tuổi băm, tuổi tứ tuần, ngũ tuần…. Bạn phải đứng trước một cái ngã ba đường mà còn không có chỉ đường rõ ràng là ngã này sẽ đưa bạn đi về đâu. Thế là TOANG HẾT CẢ! 

            Bố mẹ mà có định hướng thì chỉ rõ bạn đi hướng này, đầu ra kết quả sẽ như thế kia nếu trên đường đi bạn không lệch hướng (trượt, chơi bời, lêu lổng). Kiểu này thì 1 là buông xuôi nghe theo, 2 là khó chịu thích bứt ra khỏi vòng trói buộc. 

           Bố mẹ “tâm lý” thì sẽ kiểu “Con chọn gì bố mẹ cũng ủng hộ con” hoặc “Mày tự quyết định cuộc đời mày đi con, vấp ngã rồi sẽ học được” trong khi đó thì suốt 18 năm trước bố mẹ không bảo mình tự quyết, thử cái này cái kia đi. Kiểu này thì sẽ càng dễ “đuổi theo sở thích, đam mê” ba lăng nhăng củ tỏi rồi ngã chán chê vài lần cũng chưa biết tóm lại mình nên theo cái gì.

         Bởi vì trước đó, chúng ta chưa hề có sự chuẩn bị nào ngoài việc học thật tốt, điểm thật cao. Các kinh nghiệm, kiến thức, va chạm xã hội cũng không hề có. Giờ bảo chọn nghề để thi vào trường nào đó ư? Rồi lại còn mấy cái “big questions” kiểu “Đam mê của con là gì? Con thích làm gì?” Oh God.

        Xin đừng cố trả lời mấy câu hỏi lớn đó, cứ đi trải nghiệm thế giới đi, rồi ngã, rồi sẽ tìm được bài học cho bản thân, hoặc may mắn cả mentor để đi theo và để hoàn thiện con đường của mình, vẽ mục tiêu và lối đi càng ngày càng rõ hơn.