Có lẽ mỗi cá nhân chúng ta đã từng nhiều lần hoặc thậm chí ngay cả bây giờ đều trải qua những sự việc, gặp hiện tượng hoặc đọc thông tin xấu, đau buồn, tệ hại mà chúng ta muốn quên đi thật nhanh nhưng không thể nào quên được. Chúng ta không có cách nào xua nó ra khỏi đầu trong một thời gian dài thậm chí mọi sự việc còn diễn ra sâu sắc hơn, khiến chúng ta nhớ lâu hơn, chi tiết hơn và thậm chí nhiều trường hợp là bị “ám ảnh” vì không thể dứt nó ra khỏi đầu. Ví dụ đơn cử khi một buổi sáng, bạn mở điện thoại ra và check thông tin, các tin gây shock, gây buồn đau, gây phiền lòng bạn sẽ khiến bạn mở ra đầu tiên bởi sự tò mò và bởi vì muốn biết chuyện đã xảy ra như thế nào… và sau đó là đọc nó, rồi nhớ nó và nghĩ mãi về nó với một tâm trạng nặng trĩu cả ngày, hoặc thậm chí là cả tuần sau đó mà không thể đặt nó xuống được. Đặc biệt đối với những người sống giầu tình cảm, giầu lòng trắc ẩn….
Learn from the Past
Giải thích về việc này thì có nhiều ý kiến cho rằng việc này có nguyên nhân gốc rễ do tổ tiên ông cha để lại từ thời thập cổ lai hy, tức là từ cái thời tiền sử đồ đá, khi mà các ông bà tổ tiên của chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm từ thế giới hoang dã. Bạn sẽ cố gắng tập trung để ý xem con sư tử đang rình mò trong bụi rậm hay không thay vì để tâm xem hôm nay trời xanh mây trắng nắng vàng thế nào. Đây gọi là cơ chế tự vệ để tránh cho bản thân khỏi những nguy cơ diệt vong. Nghe quả là rất hợp lý. Có nghĩa là chúng ta luôn phải bật tín hiệu cảnh giác cao độ về các vấn đề có thể gây nguy hiểm đến bản thân hoặc có liên kết gây ra những tác động tiêu cực đến chính mình. Điều này thì thực sự không còn gì chí lý hơn.
Hơn thế nữa, việc tập trung vào các tác động tiêu cực, các vấn đề có xu hướng diễn tiến xấu còn khiến não bộ chúng ta học tập và cập nhật, lưu trữ, đánh giá thông tin để có thể sử dụng trong các trường hợp có thể xảy ra với chính bản thân chúng ta. Đây được gọi là giá trị thích nghi của việc ghi nhận các vấn đề, tình huống xấu. Điều này dẫn tới giải thích dễ hiểu hơn cho việc hầu hết ở tuổi trẻ từ 20-30 tuổi chúng ta thường nhìn vào mặt xấu, việc xấu và nhớ nó lâu hơn khi chúng ta già đi. Bởi vì chúng ta cần phải thu thập thông tin càng nhiều càng tốt, tích lũy kinh nghiệm và vốn sống càng nhiều càng tốt thông qua tất cả những khả năng xấu có thể xảy ra trong cuộc sống từ đó vững vàng và an toàn hơn cho tương lai bất định phía trước.
Về mặt vận động não bộ thì sẽ loằng ngoằng và phức tạp hơn bởi nó mang tính khoa học mà. Thậm chí còn có rất nhiều thí nghiệm, thử nghiệm thực tế trên một nhóm người để đánh giá việc ghi nhận các vấn đề tiêu cực so với các sự kiện tích cực. Nói tóm lại là não bộ chúng ta có 03 thành phần ghi nhớ vấn đề trong đó thì 3 thành phần này sẽ thu thập thông tin nếu ở dạng quá căng thẳng (stressful) thì sẽ ghi nhớ lâu hơn.
Ví dụ khi bạn gặp một vụ va chạm xe cộ bạn sẽ nhớ mãi những thứ chi tiết liên quan tới nó như loại xe, vị trí, màu xe, … từ đó bất cứ một thứ liên quan nào mà bạn ghi nhớ trong sự kiện này sẽ luôn mang lại cảm giác bất an và tệ hại trong lòng bạn khi bạn nhìn thấy nó lần nữa hoặc phải đi qua đúng chỗ đó lần nữa.
Nghe tới đây thì có vẻ như mọi thứ đã được ấn định từ thời tiền sử về cách mà chúng ta sinh tồn, thậm chí là não bộ đã hoạt động theo phương thức như vậy. Vậy thì có cách nào để khiến não bộ học ghi nhớ những chuyện tốt đẹp hay không?
Có chứ! Quan trọng nhất chính là chúng ta cần sự luyện tập cho não bộ
Luyện tập ghi ra, kể ra, nói ra, những mặt tích cực, việc tốt, mặt sáng sủa của sự kiện tiêu cực vừa xảy ra. Việc này cần làm liên tục thường xuyên để hướng sự tập trung chú ý của não bộ vào những điều tích cực này và chúng ta dần dần sẽ cảm thấy dễ chịu thoải mái hơn với những sự kiện gây căng thẳng bản thân.
Ví dụ sau một cuộc chia tay, chúng ta thường bị ấn tượng rất lâu những điều tệ hại. Giờ, khi nhớ về những kỷ niệm xấu xí thì chúng ta nhìn thêm vào việc chia tay ấy có thể mang lại cho chúng ta điều gì? Một con đường rộng mở tìm bạn trai/người yêu mới? Một thế giới tự do? Hoặc là rũ bỏ được những kẻ tệ hại mà chúng ta đã tốn thời gian suốt bao tháng ngày yêu đương.
Việc này đồng thời cũng sẽ giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn và dễ chịu hơn. Bạn cứ thử xem nhé.
Đọc thêm về các bài viết thú vị khác:
Làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy chi tiêu không cần thiết?